Khi xu hướng “làm việc từ xa” trở nên phổ biến vì đại dịch, một số quốc gia đã đưa ra nhiều loại thị thực hấp dẫn nhằm thu hút nhân lực nước ngoài đến sống và làm việc.
Zing trích dịch bài đăng trên BBC News về xu hướng “làm việc từ xa” thông qua các thiết bị công nghệ và Internet trong mùa dịch. Trào lưu này đang được một số nước trên thế giới lăng xê thông qua các chính sách visa hấp dẫn nhằm thu hút lao động nước ngoài tới sinh sống, làm việc dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Đầu tháng 3, Sadie Mallard, cư dân quận Manhattan (New York, Mỹ), đã tới thăm bạn trai tại Bermuda khi thành phố quê nhà “đóng cửa” vì Covid-19. Sau đó, cô làm quen với cuộc sống trên đảo và tiếp tục công việc từ xa – điều hành mảng Hành chính của một trung tâm môi giới ở phố Wall.
Vì không muốn quay lại New York, ít nhất vào thời điểm này, Mallard đã làm thủ tục định cư tại Bermuda thông qua Work from Bermuda – chương trình cho phép người nước ngoài sinh sống và làm việc từ xa trong khu vực Lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh với thời hạn 12 tháng.
“Nếu phải đi đây đi đó một thời gian, tôi sẽ chọn Bermuda – nơi có chính sách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả làm điểm dừng chân”, cô giải thích.
Bermuda là một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ khống chế thành công làn sóng Covid-19 đầu tiên. Hiện nay, quần đảo này đang đưa ra chính sách thị thực hấp dẫn dành cho lao động làm việc từ xa nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Chỉ cần hoàn thành đăng ký visa với mức phí 263 USD, xuất trình giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe, xác nhận của công ty hoặc trường học, công dân quốc tế sẽ được cấp thị thực để sinh sống, làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến tại Bermuda.
Loại hình thị thực này đang nhận được sự quan tâm của các digital nomad (dân du mục kỹ thuật số) – những người sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ để làm việc từ xa.
Làm việc trực tuyến từ mọi nơi trên thế giới
Bermuda không phải vùng lãnh thổ đầu tiên cho phép công dân nước ngoài tới sinh sống và làm việc trên đảo dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Vài tháng trở lại đây, nhiều nước như Barbados, Georgia hay Estonia đã đưa ra những chính sách thị thực hấp dẫn nhằm thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là nhóm du mục kỹ thuật số.
Với các quốc gia này, đây được coi là “liều thuốc” cứu trợ ngành du lịch – lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Ví dụ tiêu biểu của trào lưu này là Estonia – một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới cung cấp e-Residency (cư trú điện tử), cho phép công dân quốc tế được “định danh và cư trú kỹ thuật số” hợp pháp tại đây.
Đầu tháng 8, nước này công bố Digital Nomad Visa (tạm dịch: thị thực Du mục kỹ thuật số) nhằm mở rộng đối tượng của chương trình e-Residency. Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng tiếp diễn trong thời gian tới, hình thức thị thực này cho phép những người làm việc tự do, startup, doanh nhân và dân du mục kỹ thuật số được mở, quản lý, làm việc tại các công ty địa phương trực tiếp hoặc từ xa.
“Nhiều người nước ngoài đang dùng thời hạn thị thực du lịch của mình để làm việc trái phép tại Estonia. Điều đó khiến chúng tôi nghĩ, tại sao chính phủ không nắm lấy cơ hội này?”, Ott Vatter, Giám đốc Quản lý chương trình Cư trú điện tử nói.
Trước đó, nước này đã thực hiện khảo sát về mức độ hấp dẫn của thị thực Du mục kỹ thuật số đối với lao động Mỹ. 57% người tham gia chọn sống ở một quốc gia khác để làm việc từ xa, với phần lớn là thanh niên và trung niên (63%).
Theo Vatter, chương trình thị thực mới đặt mục tiêu thu hút 1.800 ứng viên trong thời gian tới. Ông mong rằng các digital nomad sẽ chọn Estonia làm điểm dừng chân lâu dài bằng cách gia hạn visa hoặc đăng ký định cư.
“Estonia là một quốc gia nhỏ, không có nhiều tài nguyên để khẳng định chỗ đứng trên trường quốc tế”, Vatter giải thích. “Thế mạnh của Estonia là công nghệ – kỹ thuật, do đó chúng tôi sẽ nắm lấy cơ hội này để cạnh tranh và thu hút nhân lực chất lượng cao”.
“Du mục kỹ thuật số” liệu có thay thế các văn phòng truyền thống?
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, hàng triệu lao động trên thế giới buộc phải tạm dừng công tác hoặc chuyển sang làm việc trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy nhu cầu làm việc tại những môi trường an toàn, thoải mái, tránh xa chốn văn phòng.
Ngay cả các tập đoàn lớn, vốn bài xích văn hóa “làm việc từ xa”, cũng dần thả lỏng những quy định về hình thức công tác. Khảo sát toàn cầu của công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner, 80% trong số 127 lãnh đạo tập đoàn đang cân nhắc cho nhân viên làm việc trực tuyến bán thời gian sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đây là tin tốt đối với những người đã thích nghi với việc “coi nhà là văn phòng” suốt nhiều tháng qua.
“Hơn 40 năm qua, nhiều người đã mong muốn được làm việc tại những không gian ngoài văn phòng như tại nhà, quán cà phê… Đại dịch đã cho họ cơ hội trải nghiệm điều đó”, Tiến sĩ Dave Cook – nhà nghiên cứu xu hướng Du mục kỹ thuật số tại ĐH-CĐ London – nói.
Vì vậy, ngày càng nhiều người lao động chuyển sang hình thức digital nomad – làm việc từ bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần có thiết bị công nghệ và Internet.
Marilyn Devonish, một nhà hoạch định chiến lược sống tại London (Anh), chia sẻ rằng giờ đây, du mục kỹ thuật số có khả năng trở nên phổ biến sau khi đại dịch qua đi.
Nhà nhân chủng học Dave Cook lại có quan điểm khác. Theo ông, mặc dù làn sóng “du mục kỹ thuật số” đang được chính phủ nhiều nước dốc lòng ủng hộ song lại không mang tính thực tế.
“Nhiều nước chỉ đang tìm cách mời gọi du khách chứ không thực sự hiểu khái niệm ‘du mục kỹ thuật số’. Nhiều người chỉ muốn tìm một không gian để làm việc trong ngày, ví dụ như coworking space hay quán cà phê”, Cook nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng các chính sách thị thực của các chính phủ như Bermuda hay Estonia góp phần tích cực vào sự phát triển của trào lưu “du mục kỹ thuật số” trong tương lai.
“Có khả năng chúng ta phải định nghĩa lại cụm từ digital nomad”. Người lao động hoàn toàn có khả năng ước mơ và hiện thực hóa những điều kiện làm việc tối ưu cho mình”.